Chủ đề NÓNG. * Tiêm chủng 2021* Bệnh thường gặp* Vệ sinh an toàn thực phẩm

Thoát vị rốn, chủ quan là nguy

Sưu tầm
12/04/2021 22:32
Thoát vị rốn xảy ra khi một phần của ruột hoặc mô mỡ chui qua khu vực quanh rốn thông qua một điểm yếu trong thành bụng. Mặc dù thoát vị rốn thường dễ điều trị, nhưng chúng có thể trở thành một tình trạng nghiêm trọng trong một số trường hợp.

Có nhiều dạng thoát vị khác nhau. Thoát vị rốn thực sự xảy ra khi có một khiếm khuyết ở thành bụng trước tại rốn. Chúng thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, và ít gặp hơn ở người lớn.  Nguyên nhân của thoát vị rốn là khác nhau giữa các nhóm tuổi. Đối với trẻ sơ sinh: Khi thai nhi phát triển trong bụng mẹ, một lỗ nhỏ hình thành ở cơ bụng. Vị trí này cho phép dây rốn đi qua.

Đối với người lớn: Nếu tăng áp lực lên thành bụng, mô mỡ hoặc quai ruột có thể xuyên qua vị trí phần cơ bụng yếu. Thường gặp ở những người thường xuyên bị tăng áp lực ổ bụng: ho dai dẳng, làm việc nặng, phụ nữ mang thai nhiều lần…

Các bác sĩ BV Sản nhi Quảng Ninh phẫu thuật cho bệnh nhi bị thoát vị rốn.

Các bác sĩ BV Sản nhi Quảng Ninh phẫu thuật cho bệnh nhi bị thoát vị rốn.

Coi chừng biến chứng

Thoát vị rốn thường phổ biến ở trẻ nhỏ, nhưng tỷ lệ chính xác không được biết vì nhiều trường hợp không được báo cáo và tự giải quyết mà không cần điều trị.

Chúng đặc biệt phổ biến ở trẻ sinh non. Có tới 75% trẻ sơ sinh có cân nặng khi sinh dưới 1,5 kg bị thoát vị rốn. Trong giai đoạn thai nhi đang phát triển nằm trong bụng mẹ, dây rốn đi qua một lỗ mở ở thành bụng. Vị trí sẽ đóng lại ngay sau khi sinh. Tuy nhiên, các cơ không phải lúc nào cũng bịt kín hoàn toàn, để lại một điểm yếu mà qua đó thoát vị rốn có thể đẩy ra.

Trong hầu hết các trường hợp, thoát vị rốn ở trẻ sơ sinh sẽ tự đóng lại khi được 3 đến 4 tuổi. Nếu thoát vị vẫn còn tồn tại vào thời điểm đứa trẻ 4 tuổi có thể cần phải phẫu thuật.

Thoát vị rốn cũng có thể phát triển ở người lớn, đặc biệt nếu bị thừa cân, nâng vật nặng hoặc ho dai dẳng. Phụ nữ đã mang thai nhiều lần có nguy cơ mắc bệnh thoát vị rốn cao hơn. Ở người lớn, thoát vị phổ biến hơn ở nữ giới. Trong số các trẻ sơ sinh, nguy cơ là như nhau đối với cả bé trai và bé gái.

Biến chứng của thoát vị rốn rất hiếm gặp ở trẻ em. Nếu phần thoát vị bị kẹt và không thể chui ngược vào ổ bụng khiến ruột có thể mất nguồn cung cấp máu và bị hoại tử.  Nếu thiếu máu nuôi, ruột mắc kẹt có nguy cơ bị hoại tử và gây nhiễm trùng đe dọa tính mạng. Thoát vị nghẹt rất hiếm gặp ở người lớn.

Chẩn đoán và điều trị

Bác sĩ sẽ có thể chẩn đoán thoát vị rốn qua khám thực thể nhằm xác định loại thoát vị là gì. Nếu có liên quan đến ruột có thể có nguy cơ tắc nghẽn, biến chứng…

Các kỹ thuật cận lâm sàng như siêu âm bụng, Xquang, CTscan hoặc xét nghiệm máu có thể được chỉ định để chẩn đoán xác định

Điều trị không phải lúc nào cũng được áp dụng, vì một số trường hợp thoát vị rốn tự khỏi. Nhưng không phải trường hợp nào cũng khỏi đặc biệt là đối với người lớn.

Trẻ sơ sinh và trẻ em: Đối với phần lớn trẻ sơ sinh, thoát vị sẽ đóng mà không cần điều trị trước 12 tháng tuổi. Đôi khi, bác sĩ có thể đẩy khối thoát vị trở lại ổ bụng. Điều quan trọng là chỉ những bác sĩ mới được thực hiện phương pháp này.

Phẫu thuật có thể được áp dụng nếu: Thoát vị còn phát triển sau khi trẻ được 1-2 tuổi; Khối thoát vị vẫn còn sau 4 tuổi. Ruột nằm trong túi thoát vị, làm giảm nhu động ruột… Phẫu thuật thường được áp dụng cho người lớn. Điều này có thể ngăn ngừa các biến chứng tiềm ẩn, đặc biệt là nếu thoát vị phát triển hoặc bắt đầu đau.

Để hạn chế tình trạng mắc thoát vị rốn trong thời kỳ mang thai cần thường xuyên khám thai, tư vấn và thực hiện các biện pháp tránh sinh non. Chế độ sinh hoạt phù hợp để hạn chế bệnh bằng cách thực hiện chế độ ăn giảm cân nếu đang bị thừa cân. Không nên làm việc quá nặng nhọc. Nên có chế độ ăn uống hợp lý. Nên có chế độ luyện tập thể dục thể thao tốt và phù hợp với tình trạng sức khỏe của cơ thể.    

TAG: